Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất lượng hàng hóa lớn nhất hành tinh nhưng thay vì xuất khẩu, họ quay sang phục vụ chính nhu cầu trong nước với dân số hơn 1 tỷ người.
Chuyển từ “sản xuất tại Trung Quốc” sang “sản xuất bởi Trung Quốc cho Trung Quốc” cho thấy sự thay đổi lớn ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nó không chỉ giúp Bắc Kinh khai thác tối đa nhu cầu trong nước mà còn bảo vệ nền kinh tế trước những tư tưởng bảo hộ xuất hiện ở Mỹ hay châu Âu.
Diana Choyleva, Chuyên gia kinh tế trưởng của Enodo Economics, có trụ sở tại London, Anh, nhấn mạnh: “Sự thay đổi này có thể vô hiệu hóa các cuộc tấn công thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn đầu”. Choyleva cũng cho biết, không thể phủ nhận vai trò to lớn của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, việc sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước đang lớn hơn so với sản xuất để xuất khẩu.
Trong khi đó, hàng hóa nước ngoài chỉ chiếm 10% nhu cầu tiêu dùng cuối cùng ở Trung Quốc. Chính vì vậy, dù Mỹ có thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua chính sách bảo hộ, Washington cũng không có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc trừ khi tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực sản xuất mọi thành phần cần thiết để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh dù phục vụ nhu cầu trong nước hay xuất khẩu.
Chuyên gia Choyleva cũng cho biết, theo chương trình “Made in China 2025”, Bắc Kinh đặt kế hoạch tự cung cấp toàn bộ nguyên liệu cho 70% lượng hàng hóa, tăng 30% so với mục tiêu đặt cho năm 2020. “Bắc Kinh muốn biến đổi ‘sản xuất tại Trung Quốc’ sang ‘sản xuất bởi Trung Quốc cho Trung Quốc’ để giảm nguy cơ bị tổn thương trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn”, Choyleva nhấn mạnh.